Văn Hóa Muối Kim Chi Hàn Quốc – Kim jang

Đăng bởi PREMI3R VIỆT NAM vào lúc 01/02/2021

 

Nhắc đến Hàn Quốc người ta thường nghĩ ngay đến món ăn kim chi vốn rất nổi tiếng. Đây là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người Hàn. Để có được món này thì họ sẽ phải muối kim chi, được gọi là văn hóa muối kim chi hay Kim jang.

Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Uỷ ban liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 đã công nhận “Văn hóa Kim jang-Văn hóa muối Kimchi” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.    

Họ cho biết rằng: “Chúng tôi đánh giá cao việc những người Hàn Quốc cùng chia sẻ Kimchi với những người láng giềng và văn hóa muối Kimchi cũng đã trải qua nhiều thế hệ. Thông qua điều này ta có thể thấy sự tích cực trong việc tăng cường hiểu biết và nâng cao tinh thần đoàn kết chung giữa những người Hàn Quốc. Điều này cũng đã đóng góp nhằm tăng cường những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể gồm khoảng 100 sự kiện truyền thống từ khắp nơi trên thế giới nhắm tới mục tiêu đa dạng hóa các loại hình di sản và nâng cao nhận thức của con người đối với tầm quan trọng của những loại hình truyền thống đó.

Nguồn gốc của sức mạnh dân tộc

Vào năm 2001, UNESCO đã công nhận lễ tế Tông miếu và Nhạc tế lễ Tông miếu là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên được đưa vào danh sách. Cho đến nay đã có 15 di sản được tổ chức này công nhận  như Nhạc Pansori, Múa hát vòng tròn Ganggangsullae, Gánh diễn Namsadang, Tế lễ Yeongsan, Múa lên đồng Yeongdeung ở đền Chilmeori tại đảo Jeju, Múa mặt nạ Cheoyong hát phổ thơ Gagok, nghệ thuật đồ mộc Daemokjang, cách đi săn bằng chim ưng Maesanyang, trò đi dây thăng bằng, Võ thuật truyền thống Taekkyon, Dệt vải gai Mosi vùng Hansan và Dân ca Arirang.

Lúc ban đầu, có ý kiến lo ngại việc đăng ký xét duyệt kimchi trở thành di sản văn hóa phi vật thể nhằm mục đích thương mại. Nhưng cơ quan kiểm định của UNESCO đánh giá cao kimchi và văn hóa muối kimchi trong vai trò sáng tạo của Hàn Quốc và nâng cao tinh thần đoàn kết trong dân tộc. Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là cái kết hoàn hảo cho việc quốc tế hóa kimchi và những ý kiến tranh cãi.

Vào tháng 11 hằng năm, sẽ xuất hiện các tin tức về Kim jang trên phương tiện truyền thông Hàn Quốc, thông báo cụ thể cách muối kim chi, muối ở thời điểm nào, nguyên liệu, giá cả ra sao. Người Hàn rất coi trọng văn hóa Kim jang, đến mức hàng năm đều công bố chỉ số kim chi.

Kimjang – văn hóa muối kim chi

Đây là dịp quan trọng hàng năm đối với người dân Hàn Quốc. Theo kết quả nghiên cứu vào năm 2011 thì 95% người dân Hàn Quốc ít nhất cũng ăn kimchi một lần trong một ngày, 80% trực tiếp tự làm kimchi trong mùa Kim jang hoặc tham gia làm Kim jang với những người thân họ hàng.

Kimchi xuất hiện vào đầu thời kỳ Goryeo (khoảng thế kỷ thứ 10), trong đó kimchi được gọi là “jeo”, âm Hán là “trư”, có nghĩa là “ngâm, tẩm thấm”. Trong sách “Đông quốc lý tưởng quốc tập” của văn sỹ Lee Gyu-bo thời Goryeo có đoạn: “Củ cải muối ăn trong ba tháng hè rất tốt và kimchi ngâm muối có thể là món ăn trong suốt mùa đông”. Điều này cho thấy thời kỳ đầu của Kim jang.

Trong sách “đông quốc tế thì kí” viết về phong tục tập quán của người Hàn vào thế kỉ XIX có đoạn sau: “Ở Seoul, người ta làm Kim jang bằng củ cải, cải thảo, tỏi, ớt, muối, tất cả được muối và để trong vại. Việc làm tương trong mùa hè và muối kim chi trong mùa đông là những việc trọng đại trong năm của tất cả mọi người, mọi nhà”. Thể hiện sự ghi chép về nguyên liệu làm Kimjang. Món kim chi này hội tụ tất cả nguyên liệu của núi, đồng bằng và vùng biển tạo nên màu sắc và hương vị tuyệt vời.             

Việc muối kim chi với số lượng nhiều và trong một lần mất rất nhiều thời gian và công sức, cần có sự hỗ trợ của nhiều người. Hoạt động này không đơn thuần chỉ là làm đồ ăn đơn giản mà còn là một sự kiện của cả làng xóm, thể hiện sức mạnh cộng đồng và sự đoàn kết.

Kim chi sau khi muối xong sẽ được chôn trong lòng đất và được bảo quản ở đó theo như phương thức truyền thống. Thông thường người phụ nữ sẽ muối kim chi, người đàn ông sẽ đào đất sau đó chôn các chum, vại chứa kim chi.

Văn hóa Kim jang được lưu giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Là sự kiện để mọi người tụ tập lại với nhau trước mùa đông. Đó là sự kết nối giữa hàng xóm với nhau, mẹ và con gái, mẹ chồng và con dâu.

Trong thời đại hiện nay, mọi công việc đã được công nghiệp hóa, sử dụng máy móc là chủ yếu. Thế nhưng để có được kim chi ngon chuẩn thì Kimjang vẫn phải trải qua những công đoạn bằng tay con người một cách tỉ mỉ. Nó mang trong mình tấm lòng của người làm, cả công sức và thời gian.

Nguồn PREMIER - Thời Trang Đẳng Cấp Hàn Quốc

Nguồn tham khảo: Korea.net.vn

Tags : K-Culture, kim jang, văn hóa muối kim chi hàn quốc
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: