Lý Do Người Hàn Cảm Thấy Khó Chịu Khi Đi Giày Dép Vào Trong Nhà

Đăng bởi PREMI3R VIỆT NAM vào lúc 01/02/2021

 

Người Hàn từ xưa đến nay vẫn luôn giữ thói quen cởi giày dép đi bên ngoài trước khi bước vào nhà. Họ thường đi chân trần hoặc dùng dép đi trong nhà. Thói quen này khá giống với các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam. Ngược lại, bên các nước phương Tây họ sẽ đi cả giày dép đi bên ngoài vào nhà luôn. Với những ai không quen sẽ cảm thấy không được vệ sinh, nhưng mỗi nước thì đều có một nét văn hóa khác nhau.

Hãy cùng tìm hiểu những lý do dẫn đến sự khác biệt này nhé.

Văn hóa sinh hoạt trên sàn nhà

Từ xa xưa, văn hóa Hàn Quốc chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa của Nhật Bản và Trung Quốc. Lúc đầu, sinh hoạt trên sàn gỗ bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo thời gian, văn hóa sinh hoạt trên sàn nhà của Hàn Quốc ảnh hưởng bởi Nhật Bản nhiều hơn.  

Nhà truyền thống của Nhật Bản được làm bằng gỗ và sàn trải tấm nệm bằng rơm hoặc trúc. Người Nhật thực hiện sinh hoạt bình thường trong không gian này như ăn uống, ngủ nghỉ…

Chính vì vậy mà người Hàn rất chú trọng đến việc dọn dẹp, giữ nhà cửa sạch sẽ vì mọi sinh hoạt đều diễn ra trên sàn nhà. Nét sinh hoạt này tồn tại và được tiếp nhận qua nhiều thế hệ.

Hệ thống sưởi

Mùa đông ở Hàn rất khắc nghiệt, cái lạnh kéo dài và còn có tuyết rơi, nhiệt độ thường sẽ xuống âm độ. Để chống chọi được với thời tiết khó chiều như vậy, người Hàn sử dụng hệ thống sưởi ấm độc đáo đó là hệ thống sưởi sàn. Điều này giúp căn nhà được làm ấm nhanh và nhiệt độ lan tỏa khắp mọi ngóc ngách trong nhà. Do đó họ luôn sinh hoạt trên sàn nhà nên khi về đến nhà, cởi bỏ giày dép là điều nên làm để giữ vệ sinh.                  

Trái lại, các nước phương Tây dùng lò sưởi trong vách tường hoặc máy sưởi điện. Nền nhà sẽ trải thảm và đi giày dép trực tiếp từ bên ngoài vào. Họ không ngồi dưới sàn mà thường sẽ ngồi trên ghế hoặc giường.

Niềm tin vào sức khỏe và tâm linh

Lý do không kém phần quan trọng đó là sức khỏe. Người châu Á, cụ thể hơn là người Hàn luôn cho rằng việc bỏ giày dép trước khi vào nhà rất quan trọng, nó giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn từ bên ngoài vào nhà. Hơn nữa, đôi bàn chân là một bộ phần cực kì quan trọng đối với sức khỏe, được các bác sĩ Đông Y gọi là trái tim thứ hai của cơ thể.

Ở Trung Quốc còn nghiên cứu và phát triển thuật bấm huyệt bàn chân, đã có lịch sử từ lâu đời với mục đích chữa trị nhiều chứng bệnh.

Người Hàn Quốc tin rằng việc đi chân trần là một cách vận động hiệu quả, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện giấc ngủ, tăng cường sức mạnh cơ bắp, làm máu lưu thông tốt hơn, giúp kích thích các huyệt đạo trên lòng bàn chân…

Hơn nữa, việc bỏ giày dép trước khi vào nhà còn liên quan đến suy nghĩ theo khía cạnh tâm linh, tinh thần Á Đông. Hành động này được nhiều nhà văn hóa châu Á cho rằng có ý nghĩa như tín hiệu đánh thức tâm trí con người. Đó là rũ bỏ những lo toan, mệt mỏi, căng thẳng để bước vào không gian nhà ấm cúng và bình yên.

Ngoài ra, cởi bỏ giày dép trước khi vào nhà còn thể hiện tính lịch sự, sự tôn trọng chủ nhà nếu bạn là khách đến thăm nhà. Mọi hành động cần phải cẩn thận, suy nghĩ kĩ rồi mới làm để tránh gây ấn tượng không tốt với chủ nhà.

Sự khác biệt văn hóa

Có một câu chuyện về sự khác biệt văn hóa này rất thú vị, kể về trải nghiệm của bạn người Hàn Quốc đến chơi nhà bạn người Mỹ. Bạn người Mỹ này rất vui vẻ và hân hoan chào đón trước cửa và dẫn bạn người Hàn, lúc này bạn người Hàn đang mang chiếc bốt cao cổ.

Bạn người Mỹ kể rằng bạn người Hàn rất lúng túng và ngại ngùng khi đi giày vào nhà và bước lên trên tấm thảm trong nhà. Suốt buổi nói chuyện, bạn người Hàn có vẻ cảm thấy không quen và có hơi ái ngại, lúc ra về vẫn kiểm tra xem mình có để lại vết bẩn nào trong nhà bạn người Mỹ không.

Người Hàn xưa giờ đều cởi bỏ giày dép trước khi vào nhà mình hay nhà người khác nên sẽ khó tránh khỏi sự bối rối, lạ lẫm với văn hóa đi giày vào nhà của phương Tây. Ngược lại, nếu là bạn người Mỹ kia đến Hàn thì cũng sẽ có cảm giác tương tự như vậy.

Sự khác biệt văn hóa giữa các nước với nhau vẫn luôn tồn tại, không có văn hóa nào đúng và văn hóa nào sai, nó đơn thuần là sự thích nghi với cái mới. Người ta có câu “nhập gia tùy tục”, bạn đến một đất nước mới thì phải sống theo lối sống của họ, chứ không thể bắt ép người ta phải sống theo ý của mình. Nếu mở lòng chúng ta có thể khám phá, đón nhận những nét văn hóa độc đáo như một điều mới mẻ, đáng yêu. Có thể đối với người này là hành động kì lạ nhưng đối với người kia đó lại là điểu hiển nhiên.

Nguồn PREMIER - Thời Trang Đẳng Cấp Hàn Quốc

Nguồn tham khảo: Korea.net.vn

 

Tags : K-Culture, lý do không đi giày dép vào nhà của người hàn, văn hóa hàn quốc
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: