Hàn Quốc Và Câu Chuyện Du Học

Đăng bởi PREMI3R VIỆT NAM vào lúc 01/02/2021

 

 

Người ta thường nói thế hệ trẻ là những mầm non tương lai của đất nước, là những người sẽ đưa đất nước lên một tầm cao mới, phát triển hơn.

Chính vì vậy việc đầu tư cho con người rất quan trọng. Các bậc cha mẹ cũng có xu hướng cố gắng hết sức để đầu tư giáo dục cho con của mình. Cụ thể hơn là cho con đi du học, sang một đất nước mới, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến hơn với mong muốn con mình sẽ thành tài.

Ngoài việc có học bổng toàn phần thì đi du học tự túc hay học bổng bán phần thì chi phí mà gia đình bỏ ra là không hề nhỏ. Ở Hàn Quốc, xu hướng cho con đi du học đã có từ thời Silla. Có nghĩa là đã có từ rất lâu rồi, đủ để cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các bậc cha mẹ nhiều đến nhường nào.

Nguồn gốc của xu hướng du học

Sau khi thống nhất ba vương quốc Goguryeo, Baekjae và Silla lại thành một. Silla đã đẩy mạnh hoạt động giao thương với nước ngoài, góp phần vào việc hình thành tâm lý đi học ở nước ngoài để được mở mang tầm mắt.

Học giả Choi Chi Won đã có cơ hội đi du học. Năm 12 tuổi, ông du học ở Quốc Tử Giám, cơ quan giáo dục quốc gia của nhà Đường ở Trung Hoa. 6 năm sau ông nhận được chức quan.                                     

Vào thời điểm đó, xu hướng du học phát triển không thua kém gì thời bây giờ. Theo ghi chép, mỗi năm có 216 người đi du học ở nhà Đường. Phần lớn là học sinh đi du học do sự khắt khe của chế độ Lục đầu phẩm ( chế độ đánh giá thân phận, phân tầng cao thấp theo huyết thống rất nghiêm ngặt của Silla).

Nếu xuất thân từ gia đình Lục đầu phẩm thì cho dù có tài năng đến đâu cũng không được bổ nhiệm vào các chức quan cao cấp. Cách duy nhất để vượt qua được đó là con đường du học.

Sau một thời gian cống hiến ở xứ người, ông Choi Chi Won trở về Silla với mong muốn giúp sức cho đất nước. Tuy nhiên lúc đó Silla vẫn mang nặng tư tưởng về tầng lớp nên ông không có nhiều cơ hội để thực hiện mong muốn của mình.

Khi sang tới thời Goryeo thì những ý tưởng của ông có cơ hội được phát triển tốt hơn. Điều này cho thấy ông có tư duy cấp tiến, đi trước thời đại nhưng xã hội đương thời lại không thuận lợi như ý nguyện.

 


 

 

Du học thời hiện đại

Xã hội ngày càng phát triển, việc đi du học đã không còn quá xa lạ và khó khăn như ngày trước. Trước đây, đi du học là điều khá xa xỉ, gia đình có con đi du học thì sẽ được nhiều người khen ngợi, trầm trồ nhưng hiện nay việc đi du học đã trở nên rất phổ biến, thậm chí là rất bình thường.

Không ít cha mẹ khi thấy một đứa trẻ nói tiếng anh rất trôi chảy, nhận được nhiều sự hưởng ứng từ bạn bè quốc tế. Bản thân họ cũng mong muốn con mình cũng làm được như vậy. Họ coi đó là mục tiêu và làm mọi cách để con mình đạt được.

10 năm trước, mục đích lớn nhất khi cho con đi du học là để cải thiện khả năng nói tiếng anh. Học tiếng anh ở những quốc gia nói tiếng anh là môi trường tốt để phát triển hơn so với Hàn Quốc. Những đứa trẻ sẽ phải tiếp xúc, giao tiếp hằng ngày trong môi trường này.

Bây giờ thì đã khác rồi. Khả năng đào tạo tiếng anh trong nước đã tốt hơn rất nhiều. Có rất nhiều trung tâm tiếng anh xuất hiện, dạy nhiều kỹ năng cộng thêm có cả giảng viên nước ngoài, phù hợp cho mọi độ tuổi theo học. Nhiều đứa trẻ mới 2-3 tuổi đã được tiếp xúc với tiếng anh rồi. Không cần thiết phải qua nước ngoài mới học được tiếng anh.

Thời gian gần đây, phụ huynh cho con đi du học còn với mục đích khác. Không phải là tiếng anh nữa mà là học ở trường đại học nào. Việc bãi bỏ các trường trung học đặc biệt, thay đổi chính sách tuyển sinh đại học dường như đã làm tăng thêm nhu cầu tìm cách “lách luật”, cái đích cuối cùng cũng là vì “tương lai con em chúng ta”.

Các gia đình khá giả đã gửi con cái đến ngôi trường danh tiếng từ sớm cho đến khi hoàn thiện chương trình đại học. Dù sao môi trường học tập ở phương Tây cũng đỡ áp lực hơn so với Hàn Quốc.

Còn với các gia đình trung lưu, do nguồn chi phí đắt đỏ nên con họ sẽ quay trở lại Hàn Quốc sau 1-2 năm học xong trung học. Chừng đó cũng đủ làm bước đệm để có đà thuận lợi hơn bước chân vào trường đại học trong nước.

 

Nhập học đặc cách vào các trường đại học ở Hàn theo tiêu chuẩn công dân nước ngoài dễ hơn so với thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học. Dẫn đến nhiều Hàn kiều sau một thời gian ở nước ngoài thì trở về Hàn để nhập học đại học.

 

Cho con sang nước ngoài để du học sớm là cả một sự tính toán ở phía sau. Đó chính là cơ hội vào Đại học ở một đất nước vốn nổi tiếng là có kỳ thi khắc nghiệt như Hàn Quốc.

Một lý do nữa là xu hướng xính bằng cấp ngoại, nhu cầu làm việc tại các tập đoàn lớn và sự công nhận trình độ trong môi trường Quốc tế. Bởi lẽ có một thực tế đáng buồn là nhiều người tốt nghiệp bằng nọ bằng kia trong nước nhưng khi đến một môi trường giáo dục tiên tiến, gần như sẽ phải đào tạo lại.

Nguồn PREMIER – Thời Trang Đẳng Cấp Hàn Quốc

Nguồn tham khảo: korea.net.vn

 

 

 

 

 

Tags : hàn quốc và câu chuyện du học, K-Culture
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: