Doljanchi Và Văn Hóa Tiệc Thôi Nôi Hàn Quốc

Đăng bởi PREMI3R VIỆT NAM vào lúc 01/02/2021

 

 

 

Mỗi một đứa trẻ được sinh ra và ở giai đầu đời, sự kiện quan trọng được gia đình quan tâm nhất đó là tiệc thôi nôi (Doljanchi).

1.      Nguồn gốc của tiệc thôi nôi

Các nước phương Đông gồm cà Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có tiệc thôi nôi cho em bé. Trước đây điều kiện sống không được tốt cùng với trình độ y tế còn lạc hậu nên tỉ lệ các em bé sinh ra bị chết yểu hay ốm yếu rất cao.

Nếu các bé vượt qua được một năm tuổi thì là điều rất đáng mừng và quan trọng, không kém gì ngày bé chào đời. Thôi nôi vừa là ngày sinh nhật đầu tiên vừa là ngày chúc mừng 1 năm đầu đời không đau ốm, bệnh tật và cầu chúc cho đứa bé lớn lên khỏe mạnh.

Mỗi gia đình đều mong muốn tổ chức ngày này thật tươm tất, đàng hoàng theo phong tục phương Đông. Thôi nôi cũng là dịp để cha mẹ cảm ơn trời đất đã ban cho mình một sinh linh mới và cầu xin phước lành, bình an cho đứa trẻ.

2.      Nghi thức làm lễ thôi nôi

Từ xưa cho đến bây giờ, nghi thức cũng đã có sự thay đổi ít nhiều. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà sẽ tổ chức to hay nhỏ, đơn giản hay thật hoành tráng.

Thứ nhất, nếu tổ chức đơn giản, vào buổi sáng kỷ niệm 1 năm ra đời của con, người nhà sẽ chuẩn bị mâm cúng tam thần đều cầu phúc cho bé.

Sau đó cả gia đình sẽ ăn cơm với canh rong biển, điều này sẽ được thực hiện vào mỗi lần đến sinh nhật của đứa bé. Ngoài ra, cha mẹ thường sẽ chuẩn bị nhiều bánh tteok và trái cây đều mọi người cùng ăn và đem cho các gia đình hàng xóm. Những gia đình được cho quà sẽ cho lại gạo hoặc tiền mừng tuổi để tượng trưng cho việc chúc mừng thôi nôi.

Thứ hai, nếu tổ chức hoành tráng thì ngày nay cũng có nhiều nơi cung cấp dịch vụ tổ chức tiệc thôi nôi, tức là sẽ có một bên sẽ lo liệu tất cả mọi nghi thức từ ăn uống, chụp hình, quần áo, chuẩn bị quà cho khách…

Trước tiệc thì cha mẹ sẽ cho em bé đi chụp hình kỷ niệm. Địa điểm tổ chức có thể tại nhà hoặc ở khách sạn, có những nơi còn chuyên tổ chức tiệc thôi nôi với những dịch vụ đi kèm.

Khi bước vào phòng tiệc, sẽ trưng bày nhiều ảnh của bé từ khi mới chào đời.

Trên sân khấu sẽ bày một bàn tiệc lớn cùng với phông nền, bóng bay, chữ trang trí đẹp mắt. Trên bàn bày biện các loại bánh tteok, đường trắng, bánh ngô đậu đỏ… đều là những món tượng trưng cho sự trường thọ, không bệnh tật và tránh khỏi những điều xui xẻo. Quy mô tổ chức sẽ khác nhau tùy vào gia đình.               

Khách mời là họ hàng hai bên gia đình, bạn bè thân thiết của cha mẹ. Họ sẽ mặc đồ lịch sự và được đãi tiệc tự chọn với các món ăn đa dạng. Trước đây, khách hay người thân sẽ mua quà cho bé, có thể là quần áo, đồ chơi,… nhưng thời gian gần đây thì đa số mọi người sẽ tặng tiền mừng, vì họ thấy khó để chọn quà, cái gì sẽ hợp với bé hay có thể tặng trùng với người khác và như vậy sẽ nhanh hơn. Cha mẹ có thể tự do mua đồ cho con mình bằng số tiền đó. Trên phong bì chỉ cần ghi chúc cháu khỏe mạnh hay chúc mừng sinh nhật là dược rồi. Tiền mừng cũng tùy vào độ thân thiết với với cha mẹ của bé cũng như điều kiện kinh tế của mỗi người, có thể là 50.000 – 100.000 KRW.

Em bé sẽ được cho mặc hanbok, trang phục truyền thống của Hàn Quốc. Việc mặc hanbok là cách thể hiện ý nghĩa rằng bé sẽ sống thọ như là mặc áo nhiều màu thật sặc sỡ, váy đỏ, đội mũ cùng bộ với quần áo.

Một phần quan trọng của bữa tiệc đó là Doljabi, đây là nghi thức mà bé sẽ chọn một trong các đồ vật đã được chuẩn bị sẵn. Những món đồ ấy sẽ có những ý nghĩa khác nhau, tượng trưng cho mong muốn nhất định của cha mẹ về tương lai sau này của bé. Việc chọn vật nào khiến người ta tin tưởng đứa bé khi trưởng thành sẽ giống như ý nghĩa đồ vật mà mình chọn.

Ví dụ bé chọn tai nghe của bác sĩ thì sau này sẽ trở thành bác sĩ, chọn tiền thì sẽ trở nên giàu có. Các đồ vật khác như bút thì thể hiện sự ham học hay học giỏi, quả bóng thì trở thành cầu thủ bóng đá, sợi chỉ sặc sỡ tượng trưng cho sự trường thọ…    

Trong lúc Doljabi diễn ra, mọi người sẽ hướng mắt về bàn trung tâm để quan sát bé chọn đồ và hò reo khi bé chọn một vật gì đó. Nếu có MC thì họ sẽ khuấy động chương trình và sau đó moi người hát chúc mừng sinh nhật. Cha mẹ sẽ đại diện gia đình phát biểu cảm ơn những người đã tới dự tiệc. Hầu như các gia đình sẽ thuê người quay phim, chụp hình để lưu giữ kỷ niệm cho con. Kết thúc tiệc, các vị khách sẽ ra về cùng một món quà mà gia đình chuẩn bị.

Những bữa tiệc như thế này rất phổ biến ở Hàn Quốc, chi phí có thể dao động tầm 3000 – 10.000 USD. Tiệc thôi nôi ngày nay không chỉ đơn giản là bánh kem, thổi nến hay bài hát chúc mừng. Kinh tế phát triển, nhiều gia đình cũng trở nên khá giả cộng với tỉ lệ sinh hiện nay thấp nên nhiều cha mẹ đều muốn tổ chức cho con mình thật chỉnh chu và hoành tráng.

Nguồn PREMIER – Thời Trang Đẳng Cấp Hàn Quốc

Nguồn tham khảo: thongtinhanquoc.com

 

Tags : K-Culture, văn hóa thôi nôi hàn quốc
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: